Goodbye Mr. President

Đinh Yên Thảo (Danlambao) - Tuần trước, Tổng Thống Obama đã về lại Chicago, nơi ông khởi đầu sự nghiệp chính trị của mình, để đọc và gởi đi diễn văn từ biệt người dân Hoa Kỳ trước khi mãn nhiệm kỳ hôm nay. Đồng ý với các sách lược trong vấn đề điều hành quốc gia của ông hay không, còn tùy thuộc vào xu hướng chính trị và cảm quan xã hội của mỗi người. Nhưng nhìn vào những nỗ lực và kết quả mà Obama đã làm được trong tám năm qua, có lẽ chúng ta cũng cần ghi nhận sự dũng lược của ông khi đối đầu với các thế lực chính trị tại Washington và giới tài phiệt, để đưa ra những chính sách dù gây nhiều tranh cãi, nhưng chỉ với mục đích phục vụ cho các vấn đề dân sinh và cổ vũ cho sự phát triển chung trên toàn thế giới. Xin chào tạm biệt Mr. President.

Khi George Washington trở thành tổng thống đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, quốc hội lúc bấy giờ muốn tìm một danh xưng trịnh trọng và xứng đáng cho ông theo kiểu "Điện Hạ" thưa bẩm, như cách dùng cho các hoàng gia bên Châu Âu lúc bấy giờ. TT Washington bảo chỉ cần gọi "Mr." như người dân thường vẫn dùng với nhau đã đủ. Danh xưng "Mr. President" ra đời để riêng chỉ tổng thống Hoa Kỳ, không chỉ là cách xưng hô, mà còn là mang theo một tinh thần dân chủ, bình dị và phóng khoáng của giới lãnh đạo quốc gia Hoa Kỳ được luân chuyển đến hôm nay. Hơn ai hết, tinh thần đó hiện rõ trong tính cách Barack Obama, vị tổng thống đời thứ 44 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ hùng mạnh. 

Sinh năm 1961, ở tuổi 47, chàng Thượng Nghi Sĩ học thức, đầy tài hùng biện đến từ Chicago đã làm một cú "đảo chánh" bất ngờ và ngoạn mục trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2008, khi qua mặt Thượng Nghị Sĩ Hillary Clinton để chính thức đại diện đảng Dân Chủ ra tranh cử tổng thống. Và đắc cử, trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Bốn năm sau, sự tái đắc cử với tỉ lệ áp đảo của ông đã cho thấy cử tri Hoa Kỳ vẫn tiếp tục ủng hộ đường lối và những cải tổ trong việc điều hành quốc gia của Obama. Có những chỉ trích và bất mãn về đường lối của Obama trong tám năm qua, như một điều tất nhiên luôn xảy ra với mỗi đời tổng thống Hoa Kỳ, nhưng tựu chung, con số 60 % người dân tán đồng công việc điều hành của ông theo như thăm dò lần cuối của Gallup và CNN/ORC, chắc chắn sẽ là một niềm vui cho Obama khi từ giã Bạch Ốc và cho thấy những người ủng hộ ông đã chiếm đa số. Chắc chắn là vậy nếu so với tỉ lệ tán đồng TT George W. Bush với chỉ 34 % khi ông mãn nhiệm kỳ hồi 2009. Nhưng để hiểu rõ hơn sự ủng hộ này, có lẽ chúng ta cũng cần nhìn lại những hoạt động và lý tưởng phục vụ của Obama ngay từ thời thanh niên của mình.

Barack Obama không đi ra ngoài khuôn mẫu truyền thống của hầu hết các đời tổng thống và giới lãnh đạo Hoa Kỳ, phần lớn là những người xuất chúng có tư chất lãnh đạo và phục vụ từ trẻ, là những tinh hoa xuất thân từ các đại học danh tiếng rồi trở thành giới lãnh đạo từng phục vụ trong quân đội hay chính trường Hoa Kỳ trước khi được nhận trọng trách điều hành quốc gia. Nhưng từ một đứa trẻ da màu mồ côi cha trong một xã hội còn ít nhiều tiềm ẩn định kiến sắc tộc, để vươn lên thành một nhân vật quyền lực nhất thế giới, quả là một câu chuyện cổ tích thời đại và phải là một niềm cảm hứng cho giới trẻ nói chung, cùng những sắc dân thiểu số nói riêng. Nếu không nói đó là con người xứng đáng để ngưỡng mộ. 

Theo học tại cả hai đại học danh tiếng Columbia và Harvard, những lò huấn luyện các thế hệ lãnh đạo tương lai của nước Mỹ và thế giới, Obama là một sinh viên da màu đầu tiên nắm giữ chức vụ Trưởng Biên Tập cho tờ báo luật Harvard Law Review của đại học này. Là một trong những nhà hoạt động cộng đồng tích cực tại Chicago trước và sau đại học, tốt nghiệp tiến sĩ luật khoa rồi trở thành giáo sư luật tại đại học Chicago, sự nghiệp chính trị của Obama chỉ là sự dẫn dắt tất nhiên của một trí thức trẻ tài ba, có lý tưởng phục vụ. Năm 1997, ở tuổi 36, Obama đắc cử liên tiếp ba nhiệm kỳ vào Thượng Viện tiểu bang Illinois. Đến năm 2004, cái tên Barack Obama trở thành nổi bật trên chính trường quốc gia và người dân Mỹ nói chung, qua cuộc tranh cử vào Thượng Viện Hoa Kỳ cùng bài diễn văn tuyệt xuất tại đại hội toàn quốc của Đảng Dân Chủ. Cánh cửa quyền lực đi vào Bạch Ốc đến sớm hơn bất cứ sự dự đoán nào với chàng tân Thượng Nghị Sĩ, khi chỉ ba năm sau, Barack Obama trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Chuyện còn lại là những gì chúng ta đã chứng kiến trong suốt tám năm qua.

Chương trình cải tổ và bảo hiểm y tế toàn dân mà người ta vẫn quen gọi là Obamacare, chắc chắn là một trong những điều sẽ còn được nhắc đến nhiều - từ cả hai phía ủng hộ hay chống đối, khi nhìn lại di sản của Obama. Thành công hay thất bại và nguy cơ sẽ bị nội các tổng thống tân cử Donald Trump hủy bỏ ra sao, nhu cầu cải tổ hệ thống y tế Hoa Kỳ là điều khó chối cãi và đã từng được vài đời tổng thống cả hai đảng chú tâm nhưng chưa thực hiện, cho đến khi Obama nắm quyền. Nếu nhìn con số khoảng 60 % những người khai phá sản hàng năm là do không kham nổi các chi phí chữa trị y khoa cho mình hay người thân trong gia đình vì chi phí chăm sóc y tế tại Hoa Kỳ thuộc hàng cao nhất thế giới, người ta có thể thấy được nhu cầu cần cải tổ ra sao. Một số người đổ lỗi cho chương trình Obamacare đã dẫn đến việc phải chi trả bảo phí quá cao mà không nhìn vào các khoản lợi nhuận khổng lồ và liên tục của các hãng bảo hiểm y tế, các hệ thống y tế tư nhân và hãng dược phẩm... đến từ đâu, nếu không phải đã dùng Obamacare như bình phong để tăng bảo phí. Hãy có thêm vài số liệu để thấy rõ hơn bảo phí đi về đâu: cổ phiếu các hãng bảo hiểm y tế như Wellcare, Cigna, United Healthcare, Aetna... tăng hàng chục lần trong các năm qua (Wellcare tăng 1,410 %, Cigna tăng 1,130 %...). Với các hãng dược phẩm, đây là kỹ nghệ có lợi nhuận hàng đầu trong tất cả các kỹ nghệ quan trọng tại Mỹ. Hãng Pfizer có năm lợi nhuận đạt đến mức 43 % trên tổng thu (số liệu từ GlobalData). Có thể chưa toàn hảo như mong đợi, chương trình Obamacare đương đầu với sự tham lam của các đại tập đoàn trong kỹ nghệ y tế cùng không ít phản bác, để mang lại bảo hiểm y tế cho khoảng thêm 20 triệu dân Mỹ, là một quyết định táo bạo của một người dám làm vì lợi ích số đông. Rất tiếc là ý tưởng đại học miễn phí của Obama, tương tự như chương trình y tế toàn dân, đã không thực hiện được như ý định của ông. 

Trong chính sách đối ngoại, người ủng hộ Obama có thể ghi nhận sự rút quân khỏi Iraq và Afghanistan mà ông đã cam kết khi tranh cử, tái lập mối hợp tác với đồng minh đã ít nhiều bị sứt mẻ trước kia, những thành tích chống khủng bố qua sự tiêu diệt Bin Laden cùng hầu hết các đầu sỏ của tổ chức khủng bố al-Queda, đạt được thỏa ước về kiểm soát vũ khí hạch tâm với Iran, bình thường hóa quan hệ ngoại giao cùng cựu thù Cuba, giúp Miến Điện đạt được nền dân chủ sau nhiều thập niên... Với chính sách chuyển trục Á Châu, Obama là tổng thống đương nhiệm công du đến Á Châu nhiều nhất cho đến nay. Trung Cộng ắt chẳng hài lòng gì với sự can dự và lên tiếng của Hoa Kỳ trong vấn đề biển Đông cùng Thương Ước Xuyên Thái Bình Dương TPP đưa ra, nhằm giúp các quốc gia Á Châu thoát khỏi sự ảnh hưởng kinh tế của Trung Cộng. Những người muốn thấy một thái độ cứng rắn hơn với Trung Cộng, Nga Sô và các nước đối nghịch có thể không hài lòng với chính sách mềm dẻo của nội các Obama, thì hơn ai hết, chính các quốc gia này hoàn toàn không mong đợi Hillary Clinton sẽ đắc cử để tiếp tục các chính sách nhu mềm nhưng quyết đoán này, ngầm ẩn một cuộc chiến tranh lạnh như vừa qua.

Nhưng vượt lên những vấn đề vừa nêu có thể có những nhìn nhận trái biệt nhau, thì người ta ắt khó lòng phủ nhận những chính sách kinh tế của Obama đã chặn đứng cuộc khủng hoảng kinh tế khi Obama nhậm chức. Lợi nhuận các hãng tăng cao dẫn đến thị trường chứng khoán đang cao mức kỷ lục hiện nay. Công ăn việc làm nhiều đưa đến tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong hàng thập niên qua, kết quả là mức thu nhập và tiêu xài của người dân cũng tăng cao trong các năm qua. Theo số liệu Bộ Lao Động, các sinh viên mới ra trường hiện nay có cơ hội tìm được việc làm cao nhất trong nhiều năm qua, khi tỉ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 2.4%. Đó là cánh cửa cơ hội cho một thế hệ trẻ tiếp tục dự phần, mang lại sự phồn thịnh và hùng cường cho nước Mỹ. Cổ súy cho sự bình đẳng bình quyền, các sắc dân thiểu số đã có những cơ hội thăng tiến nhiều hơn, từ lãnh vực tư nhân đến trong chính phủ. Hiếm khi một tổng thống đương nhiệm như Obama, đã xuất hiện trong đoạn phim 34 giây, vận động tranh cử riêng cho nữ dân biểu tân cử gốc Việt Stephanie Ngọc-Dung Murphy bước vào quốc hội liên bang như vừa qua.

Những nhà sử học và các chuyên gia phi đảng phái có thể có những nhìn nhận và đánh giá công tâm hơn về di sản của mỗi đời tổng thống Hoa Kỳ. Với Obama, ắt đã có những thành công lẫn thất bại, có sự tán dương và chỉ trích song hành. Nhưng những gì ông trao lại cho nội các kế nhiệm chắc chắn đã tốt hơn nhiều lần những gì ông nhận được tám năm trước. Như vậy, ông đã hoàn thành trọng trách của một vị tổng thống Hoa Kỳ. Xin cảm ơn những đóng góp của ông. Thank you and goodbye Mr. President!


Previous Post
Next Post
Related Posts